CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN năm B




“Ước ao gặp một bàn tay ấm áp”
Chạm nhẹ thôi, đủ vơi bớt ngại ngần, 
Mong vài phút, xin cho tôi sống lại
 
Ôm mẹ già, ôm hết những người thân.”
 
(dẫn từ thơ Phú Sĩ)

Mc 10: 35-45




            Tay ấm áp, làm nhà thơ sống lại. Sống, để ôm mẹ già, ôm cả người thân. Tay giơ lên, đồ đệ Chúa cất cao một yêu cầu. Yêu cầu được gần gũi, ở hai bên Thầy cùng ngồi hưởng vinh quang. Hưởng hay không, trình thuật hôm nay đà ghi rõ.
            Trình thuật hôm nay thánh Máccô lại ghi về sự kiện thôi thúc môn đồ Chúa yêu cầu Ngài ban cho các thánh hồng ân: được gần Thầy, vinh quang chễm chệ chỗ cao ngồi. Mở đầu yêu cầu lớn ấy, vậy mà các ngài, vỏn vẹn chỉ đưa ra những lời lẽ, rất thân thương: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện điều chúng con sắp xin đây.”
            Đức Giêsu, không dễ gì bị một ai đưa vào vòng tròng tréo, của ngôn ngữ. Ngài hỏi lại hai môn đồ: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? Ngôn từ cầu và xin, sẽ còn được lập lại một lần nữa, ở Tin Mừng kỳ tới.
            Câu hỏi ở trên Chúa đặt ra với đồ đệ, là vấn nạn Chúa gửi đến mỗi một người. Cả vào thời buổi này. Và, câu trả lời, liên quan đến điều căn bản của cuộc sống mỗi người. Liên quan đến những chuyện thường ngày trong cuộc đời. Cả khi vui cũng như lúc buồn, ta thường hỏi: tại sao thế? Để làm gì?  Trong cuộc sống, điều ta muốn thực sự, là những gì? Có cần thiết? Phải chăng là: hạnh phúc? An vui? Yên bình? Và gì nữa?
Môn đệ Chúa đều nghe biết về thống khổ Ngài gánh chịu. Về nỗi chết. Và sự sống mới, Ngài trải qua. Các thánh đều biết Chúa là Đấng Mêsia. Là, Vua dân Do Thái. Các ngài cũng từng nghe Thầy nói về “Vương Quốc Nước Trời, nên mới dám hỏi: “Xin cho hai anh em con, được ở chỗ cao, nơi Thầy ngồi.” Và, thánh Máccô lại đã thêm lời bình phẩm: “Các ông không biết điều mình xin”. Cuối cùng, thánh sử trích dẫn Lời Chúa nói về thống khổ và nỗi chết Ngài chấp nhận.   
            Thật sự, các thánh không thể hiểu sao Vua Vũ Trụ lại chiến thắng bằng cách chấp nhận hạ mình xuống hàng thấp nhất ngang bằng con người. Rồi, mới vinh quang vào với Vương quốc của Thiên Chúa. Đó là điều mà tiên tri Isaya nói đến, ở bài đọc 1. Tiên tri diễn tả cảnh Thiên Chúa muốn Ngài bị nghiền nát qua nỗi thống khổ. Bởi, “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính.” Is 53: 11)
            Đó là đường lối, mà các thánh sẽ phải trải qua, giống như Thầy. Trải qua, để uống cũng một chén đắng. Lãnh nhận, cùng một phép rửa. Đầm mình nơi trạng huống giống Thầy, là cho đi trọn vẹn bản chất rất thánh như Thầy. Và Chúa nói trước, các thánh sẽ cam chịu một thân phận như Thầy. Đã trở thành thánh tử đạo đầu tiên, hiến mình cho Hội thánh. Và các thánh cũng được hưởng phúc vinh quang cùng Chúa. Suốt hành trình.     
            Thật cũng dễ hiểu, tại sao mười tông đồ còn lại khi nghe biết, đã tỏ ra tức giận. Tức và giận, tưởng như toàn bộ nhóm bị lừa đảo, cách gian ngoan. Gian và ngoan, nhưng không chắc được Thầy chấp thuận.
            Nay Chúa tập họp môn đồ ngồi lại với nhau để nói cho các thánh biết ý của Ngài về sự cao cả và thành quả, trong cuộc sống. Chỉ một đường duy nhất có thể tạo thành quả, là Đường của Ngài. Con Đường ấy, không phải đứng hoặc ngồi, trên ngai báu. Có nhà cao cửa rộng. Có xe sang. Có chân, trong câu lạc bộ nổi tiếng. Có ăn thì tại nhà hàng sang trọng, đắt tiền hoặc nghỉ tại vắng vẻ, ít người tới. Tức, toàn những thêm thắt cho ngày của Chúa, thật vui thích.
            Thật sự thì, chuyện cao cả trong cuộc sống, không nằm ở những gì ta có. Hoặc, những gì ta có được từ người khác. Nhưng là ở điều: ta có cho đi trọn vẹn chính mình, cho kẻ khác? Bài đọc 2, thánh Phaolô cho giáo đoàn Do Thái biết, rằng: nơi Đức Giêsu ta đã có vị thượng tế “cao cả”. Nhưng, Ngài là Thượng Tế của chúng ta, vào lúc nào? Có phải, là khi Ngài ở đền thờ xây bằng đá cẩm thạch, cao sang? Hay, vì Ngài mặc lễ phục toàn là “hàng hiệu” đắt tiền, có đính kim cương đá quý, chói lọi? Không phải thế. Ngài chỉ thành vị Thượng tế Cao Cả, khi Ngài vừa là Thượng Tế vừa là nạn nhân, treo mình trần trụi trên bàn thờ khổ giá hình chữ thập, bị dân con nhạo cười bêu rếu, ở bên dưới.
            Ở thời này, hẳn Mẹ Têrêxa Calcutta là mẫu mực, ta thấy rõ. Sự cao cả nơi Mẹ Têrêxa được cả người Công giáo lẫn người ngoài Đạo ở Ấn Độ nhận thức, dù mẹ chẳng bao giờ mơ tưởng. Cao cả, là ở chỗ: mẹ biết cho đi trọn vẹn chính mình, để đến với người cùng cực, đói nghèo. Coi tất cả mọi người dù nghèo đói, khổ đau như những người anh người chị. Nên mẹ sống gần gũi họ. Thích ở với họ. Và, mọi người ở Ấn Độ, đều biết thế.
            Cũng nên nhớ, mẹ Têrêxa làm công việc cho đi chính mình, cả vào lúc trước khi Malcolm Muggeridge dựng mở chương trình truyền hình về mẹ. Làm cho mẹ nổi tiếng. Sự cao cả của Mẹ Têrêxa không nằm ở điểm Mẹ trở thành người nổi tiếng. Dù nổi tiếng là nhân vật lành thánh. Mà, do tinh thần phục vụ những con người bị bỏ rơi. Những kẻ cần người khác giúp đỡ. Đoái hoài.
            Mẹ Têrêxa Calcutta là vị thừa sai cao cả, là ở chỗ Mẹ đã mang Tin Mừng về sự phục vụ người nghèo đói khổ nhất. Mẹ không chỉ duy nhất là người Anbania, trở thành vị thừa sai đến Ấn Độ, mà thôi. Mẹ và các nữ tu cùng Dòng, đã ra đi với sứ vụ tông đồ truyền Đạo tại các vùng như New York, Los Angeles, Luân Đôn, và cả Rôma nữa. Mẹ là một thừa sai cho Rôma? Vâng. Công cuộc thừa sai như Mẹ hôm nay, bung ra khắp mọi nơi.
            Cũng giống như thánh Giacôbê và thánh Gioan, cũng tựa như Mẹ Têrêxa Calcutta và rất nhiều người khác, chúng ta tất cả đều được mời và được gọi. Mời và gọi, đến với công cuộc thừa sai/tông đồ. Phần đông, ta được mời tham gia hành trình mục vụ ngay tại chỗ. Muốn trở thành vị thừa sai chân chính của Chúa, ta cần nghe được Lời Chúa, ngang qua nơi nào thấy có sự cao cả đích thực. Nghe được lời mời gọi như thế, ở thời buổi này, là chuyện không dễ.
            Mặc dù vậy, chúng ta được mời và được gọi không chỉ làm đồ đệ theo Chúa, mà thôi. Nhưng, còn được kêu gọi trở thành các vị tông đồ thừa sai, rất cao cả. Bởi, ta chẳng thể nào sống niềm tin Kitô hữu một cách trọn vẹn được, nếu không biết sẻ san và làm chứng tá cho sứ vụ tông đồ của Chúa, trong cuộc sống hằng ngày ở đây và ngay hôm nay. Sống như Mẹ Têrêxa Calcutta là sống  cao cả, cho đi trọn vẹn cuộc đời mình dù chẳng có gì để cho. Cho, là hết lòng phục vụ. Cho, là quyết tâm ra đi, làm việc cho Chúa. Ngay chỗ ta đang ở.

Nhận xét