“Người ngất ngư, chết
trong muôn thế kỷ!”
Chạy điên rồ, đứng sựng
giữa xương ma.
Người là ai? Người có phải là ta?
Người là ai? Người có phải là ta?
(dẫn từ thơ Bích Khê)
Mc 9: 30-37
Là ai, sao người vội
giành. Giành ăn. Giành chỗ. Giành làm lớn đến điên rồ, có là thái độ của đồ đệ
Chúa nói hôm nay?
Trình thuật thánh Máccô
hôm nay ghi lại cung cách của đồ đệ từng xử thế, như thế. Những là, cãi với
ganh đua, giành làm lớn. Giành được gần Chúa hơn. Dù, đã bao lần, Chúa công
khai loan báo về cuộc sống thấp hèn và khổ nhục của Ngài đang đi dần vào đoạn
cuối.
Nhiều lần, Chúa đã nói đến
việc sẽ xảy đến với Ngài. Lần báo hiệu đầu tiên, là lúc thánh Phêrô phản ứng rất
khác thường vì chưa hiểu ý Ngài. Lần thứ nhì, là hôm nay, đồ đệ lại không rõ
nhưng chẳng dám hỏi. Cũng không dám bộc lộ điều mà các thánh không muốn thấy
vào lúc ấy
Trong khi đó, Chúa tỏ rõ
điều mà Ngài vẫn cương quyết đả phá. Điều mà Ngai vẫn coi là hành vi giả trá,
giả hình của lãnh tụ tôn giáo, thời ấy. Điều Ngài lên án, là thái độ giải thích
lề luật một cách tuỳ tiện,quá đáng. Ngài đả phá, những cung cách mà lãnh tụ tôn
giáo hiểu sai việc đạo mà dân thường làm.
Chúa thực sự đi vào với
nghịch thường của cuộc đời. Một đời, có ghét ghen đổ lên đầu người công chính
như ý tưởng ở bài đọc:”Ta hãy gài bẫy ám hại người công chính”. Sao thế?“Bởi
nó chỉ làm vướng chân ta. Chống việc ta làm. Trách ta vi phạm lề luật. Tố cáo
ta không tuân hành lễ giáo”, của tiền nhân (Kn 2: 12, 17).
Chúa đả kích, lối sống của
lãnh tụ tôn giáo chuyên đi ngược ý nghĩa truyền thống. Đả kích các lãnh tụ chỉ
sống bằng môi mép trong khi tim gan, thì xa Đấng mình thờ. Cả đến khi Ngài bị
treo trên khổ giá, dân con lại nhập bọn châu đầu vào mà chế riễu Chúa:“Nếu
quả Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, để bọn tôi tin.” (Mt 27: 43)
Lời chế riễu, phù hợp với
ý tưởng ở bài đọc:“Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem
kết cục đời nó thế nào.” (Kn 2: 17). Không chỉ ngược ngạo
thôi, họ còn làm nhều điều nữa, như xách nhiễu, hành hình và đóng đinh Ngài để
xem Ngài tốt lành đến mức độ nào. Để xem Xem Thiên Chúa có ở với Ngài không:“Ta
hãy hạ nhục và tra tấn nó, để xem nó hiền hoà làm sao. Nhẫn nhục đến mức độ
nào..” (Kn 2: 19)
Và tiếp đó, trình thuật
kể thêm:“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới
nhà, Ngài hỏi họ.” (Mc 9: 33). Danh từ “nhà”, được thánh Máccô nhắc lại
nhiều lần trong Tin Mừng. “Nhà”, phải chăng là nhà thánh Phêrô? Hoặc của ai
khác? Cơ bản, thì “nhà” ở đây là nơi Chúa tập họp môn đồ Ngài. Những người,
mà Ngài muốn gần gũi. “Nhà”, là biểu trưng về Hội thánh. Về, cộng đoàn lớn nhỏ,
con dân Chúa vẫn ở đó và vẫn thương yêu.
Rồi Chúa hỏi:“Dọc đường,
anh em bàn tán, những điều gì?” (Mc 9: 33). Ở đây, ta có
danh từ “đường”. Mỗi lần, hành trình với Chúa hoặc mỗi lần rong
ruổi nơi quê “nhà”, các thánh đều “đang trên đường”, đi hoặc về. “Đường” ở đây,
là bởi Chúa chính là Con Đường. Là, Sự Thật. Là, Sự Sống. Thế nên, các thánh
trong Giáo Hội Chúa, thường được hỏi xem mình đang làm gì trên “Con Đường” ấy.
Với “Con Đường” ấy.
“Các ông làm thinh”. Làm thinh là phải. Bởi,
làm thinh không chỉ là “tình đã thuận”, mà còn vì các thánh đã biết xấu hổ. Xấu
hổ, khi Chúa chưa loan tin Ngài sẽ ra đi nhưng đã giành. Xấu hổ, vì các thánh vẫn
muốn làm lãnh tụ thay thế một khi Ngài ra đi. Xấu hổ, vì các ngài vẫn tranh
giành vị thế, với ghế ngồi. Tranh giành được thương yêu hơn. Các thánh xấu hổ
và lúng túng, vì còn nhớ Ngài có nói: “Tôi tớ không hơn chủ
mình” trong chịu đựng, nhục nhã và chết chóc.
Như thường lệ, Chúa biết
rõ những gì xảy đến trong tâm tư của đồ đệ. Ngài ngồi xuống, gọi nhóm Mười Hai,
tức các lãnh tụ tương lai của Hội thánh, lại mà nói:“Ai muốn làm người đứng
đầu, thì phải làm người rốt hết, mà phục vụ người khác.” (Mc 9: 35). Một lần nữa,
Ngài cho thấy điều nghịch lý/nghịch thường trong mọi sự. Khác hẳn điều mà các
thánh xưa nay, vẫn cứ tưởng, cứ nghĩ.
Trong đời thường, làm
người đứng đầu, là làm lãnh tụ chót vót ở trên cao. Là đấng cầm cân nẩy mực,
không chế dân con thấp cổ bé họng. Là có quyền sai khiến thần dân. Nghịch
lý/nghịch thường ở đây, như Chúa nói: làm lãnh tụ, là phải làm người cuối hết.
Tức là tôi đòi, phục vụ hết mọi người lớn bé, già trẻ, gái cũng như trai.
Xét lại hành vi của
mình, tín hữu Đạo Chúa đôi lúc thấy khó mà chấp nhận quan điểm này. Thử hỏi,
trong gia đình, ai là người được coi là “đầu hết”? Người phục vụ toàn thể gia
đình? Cha mẹ? Con cái? Hay người giúp việc? Khi nào thì cha mẹ được coi là đấng
bậc tuyệt vời?. Phải chăng là khi, các ngài chỉ nghĩ chuyện chỉ huy, khuynh
loát, lấn át? Hoặc, khi đối xử với con cái, trong thương yêu, tôn trọng, sâu lắng?
Ở trường lớp cũng thế.
Ai là đầu hết? Ai là cuối hết? Có phải là học trò? Hoặc, thày cô? Hiệu trưởng?
Hay, người quét dọn? Ai, người phục vụ? Ai, lớn nhất trong họ? Lớn, theo cung
cách nào? Ai đóng góp nhiều? Ai đóng góp ít? Đây là câu hỏi có thể không có câu
giải đáp ngay trước mắt. Câu giải đáp chỉ đặt nền tảng trên hành vi, cá nhân
thôi. Trên tương quan ta có với nhau hoặc nơi nhà trường.
Ở Hội thánh, ai là đấng
được coi là đầu hết? Đức Giáo Hoàng ư? Hay, các Giám mục? Linh mục? Tu sĩ nam nữ?
Hoặc giáo dân? Đấng được gọi là Chủ Chăn cao chót vót, có là “đầy tớ của các
tôi tớ Chúa”? Ta được dạy, là hãy biết khiêm hạ mà phục vụ. Phục vụ nhau, cho
nhau. Phải chăng, đó là điều ta đang làm? Ở giáo phận và giáo xứ hôm nay, ta
nghĩ ai sẽ là người lớn nhất, trong Hội thánh? Dựa vào đâu để thẩm định, cho
đúng nghĩa?
Trong xã hội cũng thế.
Câu hỏi đặt ra, là: lớn nhỏ người người có mong rằng chỉ mình là được cung phụng
thôi không? Cung phụng như kẻ cả? Người phục vụ có cung cấp cho dân con những
gì họ ao ước? Hoặc, các phó thường dân vẫn cứ nai lưng ra mà phục vụ quan ông,
đến chết xác? Sự thể ra sao? Thái độ của “đấng đầy tớ/công bộc, thế nào, trên thực
tế?
Và lúc đó, Chúa gọi một
em nhỏ đặt giữa các ông. Ngài ôm em bé và nói:“Ai đón tiếp đàn em nhỏ như bé
này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày.” (Mc 9: 37). Em nhỏ đây,
là đại diện cho người thấp cổ bé họng, không quyền lực. Và chẳng có tiếng nói
hoặc cũng chẳng gây ảnh hưởng được lên ai. Tức là những kẻ rất dễ bị khống chế,
xách nhiễu, bỏ bê trong quên lãng mà không phản kháng.
Chúa nói: ai tiếp đón/chấp
nhận các bé em như thế này, là nhận và đón Ngài. “Đón tiếp”, là động từ nói lên sự
tôn kính và phục vụ. Là, cung cách mà chủ nhà dùng để cư xử, tiếp khách quý dù
chưa quen. Đón tiếp, là quan tâm đến sự an vui của người khác, để ý đến họ. Hơn
là chỉ lo cho mình, hơn cả việc đánh giá vị thế rất tưởng tượng của mình. Tin mừng
nói đến phục vụ không có nghĩa bảo ta hạ mình ở dưới người khác nhưng dùng tài
năng và nghị lực để tạo niềm vui sống cho người khác.
Em bé đây, đại diện cho
những người sống ở xã hội, không có quyền, không chức, không quyền lực và dễ bị
khuynh loát, trấn áp, bỏ bê bên lề xã hội. Em bé đây, là kẻ hèn kém,đói ăn, già
nua, bệnh tật hoặc người sắc tộc. Nói tóm, là những phó thường dân, ở xã ấp quê
nghèo.
Một gương sáng hôm nay,
cần ghi nhớ, phải là Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ là người, hiểu biết hơn ai hết Lời
của Chúa. Mẹ sống trọn vẹn Lời Ngài. Nên khi chết, Mẹ được chính quyền của một
đất nước mà hầu hết số dân là người ngoài Đạo, đã cho phép tổ chức quốc táng. Mẹ
là bằng chứng bằng xương bằng thịt về sự thật Lời Chúa. Mẹ phục vụ kẻ thấp hèn
mê say, thương xót dù kiệt sức, vẫn không ngừng.
Nếu mỗi người và mọi người
chúng ta biết sống và làm như Mẹ têrêxa, người đã thực hiện công tác của Mẹ suốt
đời với tinh thần phục vụ như Chúa nói, thì thế giới đã đổi thay từ lâu. Và,
Vương Quốc Nước Trời, đã gần kề. Nhưng, như thánh Giacôbê nói ở bài đọc 2, thế
giới vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn trong lối sống. Mâu thuẫn, làm cội nguồn cho mọi
xung khắc, ghét ghen, tranh chấp. Mâu thuẫn gây chiến tranh, tranh giành và đổ
vỡ.
Tham dự tiệc thánh hôm nay,
với ánh sáng của các bài đọc, ta cầu mong sao có được tinh thần phục vụ, vứt bỏ
mọi ham muốn tranh giành, chắc chắn sẽ đạt niềm vui sống khắp quanh ta.
Nhận xét